TƯ LIỆU TUYÊN TRUYỀN: "TỈNH HƯNG YÊN 190 NĂM LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN"
1. Lịch sử tỉnh Hưng Yên
Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam.
Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Bằng chứng là các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ), mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động) cùng truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung…Về hành chính, vùng đất này thuộc bộ Dương Tuyền thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc vùng đất này thuộc đất Sơn Nam.
Năm Minh Mạng thứ 12 (tháng 10 năm 1831), vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Năm 1831 Tỉnh Hưng Yên chính thức được thành lập.
Ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Sau khi tỉnh được tái lập, có diện tích tự nhiên là 894,79km2 , gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Hưng Yên và các huyện Mỹ Văn, Châu Giang, Ân Thi, Kim Động, Phù Tiên); 159 xã, phường, thị trấn.
2. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên
Qua quá trình đấu tranh gian khổ, đầu tháng 7 năm 1941 Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập ở Ninh Thôn (huyện Ân Thi). Sau hơn 80 năm thành lập, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 19 kỳ Đại hội.
Bằng các Nghị quyết của các kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (Đảng bộ tỉnh Hải Hưng) đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà xây dựng phát triển kinh tế xã hội và tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhiều người con của quê hương Hưng Yên đã phát huy được truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học của quê hương và trưởng thành, đảm nhiệm những trách nhiệm quan trọng của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, đã góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng tỉnh nhà phát triển kinh tế xã hội. Sau gần 25 năm, tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Toàn tỉnh quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, tạo điều kiện về cơ chế, đồng thời thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; dồn điền đổi thửa, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch tâm linh từ thế mạnh của vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội. Quan tâm thu hút nhân tài, không ngừng đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều Huân chương Lao động, danh hiệu cao quý khác cho các tập thể, cá nhân.
Nhìn lại 190 năm lịch sử hình thành và phát triển, 80 năm Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà, chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang mà các lớp tiền nhân đã dày công vun đắp, để từ đó, có thêm sức mạnh tiếp tục con đường của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa cho dân tộc, phấn đấu để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn: Sưu tầm